Điện toán đám mây (Cloud Computing) và những đặc trưng cơ bản

411
MỤC LỤC

Mạng internet phát triển mạnh mẽ trở thành tiền đề cho điện toán đám mây bùng nổ. Được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây, điện toán đám mây trở thành một giải pháp không thể thiếu trong kỷ nguyên số. Vậy điện toán đám mây là gì? Chúng có những đặc trưng cơ bản như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ mang tới những thông tin hữu ích về công nghệ này.

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là gì?

Cloud Computing trở thành xu hướng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Cloud Computing trở thành xu hướng quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin

Điện toán đám mây hay Cloud Computing là thuật ngữ chỉ việc cung cấp các dịch vụ máy tính thông qua internet như: Máy chủ, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, mạng, phần mềm, phân tích và trí tuệ nhân tạo. Thay vì trước đây phải sở hữu và duy trì một cơ sở hạ tầng máy tính vật lý, điện toán đám mây cho phép người dùng truy cập các tài nguyên theo cơ chế sử dụng từ một nhà cung cấp thứ 3. Người dùng sẽ phải trả phí khi sử dụng dịch vụ này. Một số nhà cung cấp điện toán đám mây phổ biến như: Amazon Web Service (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud Platform,…

Điện toán đám mây cho phép người dùng truy cập vào các tài nguyên mà không cần có phần cứng hay phần mềm on-premise. Các phần mềm trên cloud cung cấp tính linh hoạt, có thể mở rộng và tối ưu về chi phí. 

Các doanh nghiệp hiện tại có thể sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ big data, lưu trữ và phát triển các trang web, chạy các mô hình machine learning (học máy) hay phát triển kiểm thử các ứng dụng phần mềm.

Có mấy loại mô hình điện toán đám mây?

3 loại mô hình điện toán đám mây hiện nay
3 loại mô hình điện toán đám mây hiện nay

Không phải tất cả các điện toán đám mây đều giống nhau. Các mô hình, loại và dịch vụ điện toán đám mây được phát triển để cung cấp giải pháp phù hợp cho nhu cầu của người dùng. Chính vì vậy, điện toán đám mây được chia thành 3 loại: đám mây công cộng, đám mây riêng tư và đám mây lai.

Đám mây công cộng (Public Cloud)

Các đám mây công cộng được sở hữu và vận hành bởi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Bên thứ ba cung cấp các tài nguyên điện toán như: máy chủ, bộ lưu trữ qua internet,…Với public cloud, toàn bộ phần cứng, phần mềm, cơ sở hạ tầng đều do nhà cung cấp dịch vụ cloud sở hữu và quản lý. Người dùng có thể truy cập các dịch vụ và quản lý tài khoản của mình bằng trình duyệt web.

Đám mây riêng tư (Private Cloud)

Điện toán đám mây riêng tư dùng để chỉ các tài nguyên trên cloud được sử dụng riêng bởi một doanh nghiệp hay tổ chức. Một đám mây riêng tư có thể được đặt tại trung tâm dữ liệu on-premise của công ty. Một số đơn vị có thể trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ – bên thứ ba để lưu trữ đám mây của riêng mình. Đám mây riêng là đám mây trong đó các dịch vụ và cơ sở hạ tầng được duy trì trên một mạng riêng.

Đám mây lai (Hybrid Cloud)

Đây là sự kết hợp giữa điện toán đám mây công cộng và riêng tư. Trong đó, một phần tài nguyên được quản lý trong môi trường riêng tư của tổ chức, phần còn lại được quản lý bởi bên thứ ba cung cấp dịch vụ điện toán đám mây công cộng. Việc sử dụng điện toán đám mây lai cho phép tổ chức tận dụng lợi thế của 2 loại điện toán đám mây còn lại, giảm thiểu những hạn chế của từng mô hình.

Lợi ích của điện toán đám mây

Điện toán đám mây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thống cho các doanh nghiệp. Dưới đây là một số lợi ích mà công nghệ này đem lại:

  • Tối ưu chi phí công nghệ thông tin: Khi sử dụng công nghệ điện toán đám mây, tổ chức không cần bỏ ra một chi phí lớn để mua phần cứng, phần mềm cũng như thiết lập và chạy các trung tâm dữ liệu on-premise.  Bên cạnh đó, các chi phí khác như: giá đỡ máy chủ, điện duy trì 24/24 cấp nguồn và làm mát hay các chuyên gia công nghệ để vận hành cũng hoàn toàn được loại bỏ.
  • Tốc độ: Hầu hết các dịch vụ điện toán đám mây đều được cung cấp tự phục vụ và theo yêu cầu. Khối lượng tài nguyên máy tính có thể được cung cấp trong vòng vài phút chỉ với 1 cú click chuột, mang lại sự linh hoạt cần thiết cho các hoạt động của doanh nghiệp.
  • Quy mô toàn cầu: Điện toán đám mây có khả năng mở rộng quy mô một cách linh hoạt. Chỉ cần có kết nối internet và thiết bị điện tử, điện toán đám mây có thể cung cấp đúng lượng tài nguyên ở mọi nơi vào mọi thời điểm.
  • Năng suất: Các trung tâm dữ liệu on-premise thường yêu cầu rất nhiều các thao tác, hoạt động như: thiết lập phần cứng, vá lỗi phần mềm,…Điện toán đám mây loại bỏ hoàn toàn các tác vụ mất thời gian này. Các nhóm CNTT có thể dành thời gian cho các mục tiêu kinh doanh quan trọng hơn.
  • Hiệu suất cao: Các dịch vụ điện toán mây được chạy trên mạng lưới các trung tâm dữ liệu an toàn trên toàn thế giới. Các mạng lưới này thường xuyên được nâng cấp lên thế hệ phần cứng điện toán nhanh và hiệu quả nhất. Điều này mang lại một số lợi ích so với một trung tâm dữ liệu tại chỗ, giảm độ trễ cho các ứng dụng và tăng tính kinh tế theo quy mô. 
  • Độ tin cậy: Điện toán đám mây giúp sao lưu dữ liệu, khắc phục lỗi và duy trì hoạt động kinh doanh dễ dàng và ít tốn kém hơn. Dữ liệu có thể được sao chép lại tại nhiều địa điểm dự phòng trên mạng của nhà cung cấp dịch vụ cloud.
  • Bảo vệ: Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây luôn có các chính sách, công nghệ và biện pháp kiểm soát giúp củng cố tình trạng bảo mật dữ liệu. Các dữ liệu, ứng dụng, cơ sở hạ tầng được bảo vệ khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn.

Điện toán đám mây có những loại dịch vụ nào?

Có 4 loại dịch vụ điện toán đám mây cơ bản như sau: IaaS, PaaS, SaaS và FaaS. Dưới đây là những thông tin cơ bản nhất về 4 loại dịch vụ điện toán này.

 

IaaS IaaS (Infrastructure as a Service): Đây là dịch vụ cơ bản nhất của điện toán đám mây. Người dùng, tổ chức thuê cơ sở hạ tầng CNTT, máy chủ và máy ảo, bộ lưu trữ, mạng, hệ điều hành từ nhà cung cấp dịch vụ cloud. Người dùng có thể tự quản lý và triển khai các ứng dụng của mình trên hạ tầng này. Ví dụ của dịch vụ IaaS là Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud Platform,…
PaaS PaaS (Platform as a Service): đây là dịch vụ điện toán đám mây cung cấp môi trường theo yêu cầu để phát triển, thử nghiệm, phân phối và quản lý các ứng dụng phần mềm. PaaS được thiết kế để giúp các nhà phát triển dễ dàng tạo ra các ứng dụng web, app mà không cần lo lắng về việc thiết lập, quản lý cơ sở hạ tầng của máy chủ, bộ lưu trữ, mạng, cơ sở dữ liệu,…Ví dụ của dịch vụ PaaS là Heroku, Google App Engine, Microsoft Azure App Service,…
SaaS SaaS (Software as a Service): đây là phương pháp phân phối các ứng dụng phần mềm qua internet, theo yêu cầu và thường trên cơ sở đăng ký. Với SaaS, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây sẽ lưu trữ và quản lý ứng dụng phần mềm cũng như cơ sở hạ tầng cơ bản. Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ xử lý mọi hoạt động bảo trì như: nâng cấp phần mềm, vá lỗi và bảo mật,…Người dùng kết nối với ứng dụng qua internet trên thiết bị di động  hoặc trình duyệt web. Ví dụ của dịch vụ SaaS là Google Workspace, Microsoft Office 365, Salesforce,…
FaaS FaaS (Function as a Service): Là loại dịch vụ cho phép người dùng triển khai và chạy mã trên môi trường cloud mà không cần quản lý hoặc triển khai các máy chủ. Thay vì chạy trên toàn bộ ứng dụng, người dùng chỉ cần triển khai các hàm hoặc code đơn lẻ để thực hiện một số chức năng nhất định. Ví dụ của dịch vụ FaaS là AWS Lambda, Google Cloud Functions,…

Những ứng dụng của điện toán đám mây

Hiện nay, điện toán đám mây được ứng dụng trong nhiều hoạt động của đời sống, kinh doanh, giải trí,…Dưới đây là những ứng dụng của điện toán đám mây trong thực tế:

  • Tạo các ứng dụng gốc trên cloud: Điện toán đám mây giúp triển khai nhanh chóng và mở rộng các ứng dụng trên web, app và API. Những công nghệ và phương pháp tiếp cận dựa trên đám mây được tận dụng để thực hiện như: Kubernetes , Microservice, giao tiếp dựa trên API và DevOps.
  • Lưu trữ, sao lưu và khôi phục dữ liệu: Điện toán đám mây giúp bảo vệ dữ liệu của người dùng với chi phí nhỏ hơn nhưng trên quy mô rộng hơn. Các dữ liệu được chuyển sang hệ thống lưu trữ đám mây bằng internet, có thể truy cập mọi nơi trên mọi thiết bị.
  • Truyền phát âm thanh và video: Kết nối với mọi người mọi lúc mọi nơi, trên mọi thiết bị có video, âm thanh với độ phân giải cao.
  • Cung cấp phần mềm theo yêu cầu: Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) – phần mềm theo yêu cầu cho phép cung cấp các phiên bản và cập nhật phần mềm mới nhất cho đơn vị sử dụng – bất cứ khi nào họ cần và ở bất kỳ đâu.
  • Thử nghiệm và xây dựng ứng dụng: Giảm thời gian và chi phí phát triển ứng dụng bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây. Mô hình có thể dể dàng mở rộng hoặc thu hẹp tuỳ vào mục đích sử dụng của người dùng.
  • Phân tích dữ liệu: Hợp nhất dữ liệu của mọi người, phòng ban,…lên nền tảng điện toán đám mây. Các dịch vụ cloud (trí tuệ nhân tạo, máy học,…) sẽ có vai trò khám phá các thông tin chi tiết giúp đưa ra các quyết định sáng suốt hơn.
  • Nhúng trí tuệ thông minh: sử dụng các mô hình thông minh để thu hút khách hàng và cung cấp các thông tin hữu ích, chi tiết có giá trị từ các dữ liệu được thu thập.

Có thể thấy, điện toán đám mây đóng những vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện các quy trình làm việc và hoạt động của con người. Hy vọng với bài viết trên từ Gimasys, bạn đọc đã có những cái nhìn khái quát nhất về công nghệ điện toán đám mây, từ đó có thể ứng dụng chúng vào trong đời sống và công việc kinh doanh của mình. 

liên hệ với gimasys

Gửi yêu cầu thành công !

Cảm ơn bạn đã kết nối với Gimasys. Chúng tôi sẽ liên hệ với bạn qua thông tin đăng ký trong thời gian sớm nhất !