Sau covid-19, ngành chăm sóc sức khỏe (Healthcare) trở thành một trong những ngành có những bước chuyển dịch nhanh chóng, đặc biệt trong việc đưa công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thăm khám sức khỏe. Là một doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe cần phải bắt kịp với những xu hướng chuyển đổi trong ngành để nâng cao giá trị cho khách hàng/bệnh nhân và cả tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Nắm bắt 7 xu hướng chuyển đổi số ngành chăm sóc sức khỏe để tối ưu hoá trở thành đơn vị cung cấp các dịch vụ y tế thông minh và hiện đại.
Chuyển đổi số ngành chăm sóc sức khoẻ có ý nghĩa như thế nào?
Kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi các lãnh đạo cần chuyển đổi sang tư duy linh hoạt và chấp nhận bất kỳ rủi ro có thể xảy đến. Điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ những quy trình lỗi thời và đưa những quy trình tự động hoá, cá nhân hoá thông minh vào trong doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong ngành chăm sóc sức khỏe sẽ tạo ra những tác động tích cực trong ngành này.
Các công nghệ như: Telemedicine (Các chuyên gia sử dụng công nghệ để chẩn đoán và điều trị), trí tuệ nhân tạo AI hay hồ sơ sức khỏe điện tử là một vài ví dụ của việc chuyển đổi số ngành chăm sóc sức khỏe hiện tại. Đổi mới chính là yếu tố trọng yếu trong công cuộc chuyển đổi số doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu hợp lý hoá các công việc của bác sĩ, tối ưu hoá hệ thống, cải thiện hiệu quả khám chữa bệnh, giảm sai sót của con người,…
Các doanh nghiệp trong ngành Healthcare cần nắm bắt những thay đổi quan trọng trong ngành cũng như thói quen, nhu cầu của khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp. Dưới đây là 7 xu hướng chuyển đổi số trong ngành chăm sóc sức khỏe được dự đoán sẽ bùng nổ trong tương lai.
Sự gia tăng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu
Thời đại 4.0 hay 5.0 được đánh giá là thời đại của sự thuận tiện. Mọi người muốn mọi thứ diễn ra một cách thuận tiện nhất ở mọi thời gian và địa điểm mà họ có mặt. Đối với việc chăm sóc sức khoẻ cũng vậy, các bệnh nhân tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu vì những lịch trình bận rộn của họ. Vậy làm thế nào để các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tiếp cận và gây ấn tượng với khách hàng/bệnh nhân trong thời đại mới?
Câu trả lời là hãy cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách hàng/bệnh nhân để họ có thể tương tác với doanh nghiệp của bạn ở mọi thời điểm. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần có một công cụ kết nối với khách hàng ở mọi nơi và mọi thời điểm.
Hiện nay, tại Việt Nam có đến 77,93 triệu người sử dụng internet, chiếm 79,1% dân số, tổng số kết nối di động hiện là 161,6 triệu kết nối.
Theo DMN3, mọi người dùng sử dụng Internet cho các mục đích sau:
- 47% tìm kiếm bác sĩ
- 38% tìm kiếm bệnh viện và cơ sở y tế
- 77% để đặt lịch khám bệnh
Đây chính là những yếu tố mà các nhà kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần nắm bắt để kết nối với khách hàng và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu.
>> Đọc thêm: Giải pháp CRM cho ngành chăm sóc sức khỏe
Ứng dụng Big Data vào việc chăm sóc sức khỏe
Dữ liệu lớn (big data) là mọi thông tin của doanh nghiệp trên mọi phương tiện và định dạng như: phương tiện truyền thông xã hội, thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến, giao dịch tài chính,…Các dữ liệu này có vai trò xác định các mẫu và xu hướng để doanh nghiệp có thể sử dụng trong tương lai. Đây được coi là một bước đột phá của công nghệ trong thời đại mới.
Đối với ngành chăm sóc sức khỏe, dữ liệu lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng, chúng đem lại những lợi ích như:
- Giảm tỷ lệ sai sót trong việc sử dụng thuốc: Thông qua việc phân tích hồ sơ bệnh nhân, hệ thống phần mềm có thể đánh dấu bất kỳ sự không nhất quán giữa tình trạng của bệnh nhân và đơn thuốc, giúp cảnh báo cho các chuyên gia y tế và bệnh nhân khi có nguy cơ xảy ra sai sót thuốc.
- Chăm sóc phòng ngừa: Một lượng lớn bệnh nhân đến phòng cấp cứu thường là các bệnh nhân tái khám. Việc phân tích dữ liệu có thể xác định những đối tượng này, đưa ra các phương án chăm sóc phù hợp để giảm thiểu việc tái phát của bệnh.
- Phân bổ nhân sự chính xác, hợp lý: Phân tích dự đoán của big data có thể giúp các bệnh viện và phòng khám ước tính được tỷ lệ nhập viện trong tương lai, giúp các cơ sở này phân bổ nguồn lực hợp lý, tiết kiệm chi phí và thời gian chờ đợi tại bệnh viện.
Với những lợi ích này, Big data là một nhân tố đáng đầu tư. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe cần xây dựng một đội ngũ chuyên gia và công cụ thu thập và phân tích dữ liệu.
Vai trò của thực tế ảo trong việc điều trị bệnh
Vào năm 2018, thực tế ảo (VR) đã trở thành điểm nhấn trong kỷ nguyên chuyển đổi số ngành chăm sóc sức khỏe. Vô số ứng dụng của công nghệ này đã làm thay đổi sâu sắc cách điều trị bệnh.
Điển hình cho việc áp dụng thực tế ảo (VR) vào việc chữa bệnh là các bác sĩ sử dụng mô phỏng của thực tế ảo để trau dồi kỹ năng của họ hoặc lên kế hoạch cho các ca phẫu thuật phức tạp khác. Tai nghe tích hợp VR cũng giúp thúc đẩy người sử dụng tập thể dục, hỗ trợ trẻ tự kỷ tiếp cận với thế giới.
Thiết bị y tế di động, thu thập dữ liệu trực tiếp
Một xu hướng cần kể đến đó là việc thu thập dữ liệu sức khỏe từ các thiết bị y tế di động được đeo trên cơ thể. Trước đây, hầu hết các bệnh nhân đều có thói quen khám sức khỏe 1 năm/lần, và con số này tại Việt Nam thậm chí còn ít hơn. Họ thường chỉ đến gặp bác sĩ khi đã có vấn đề xảy đến với sức khỏe. Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh” – con người thời kỳ mới đang có những xu hướng phòng ngừa và yêu cầu thông tin về sức khỏe của họ thường xuyên hơn.
Do đó, các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang chủ động đầu tư vào những thiết bị công nghệ có thể theo dõi, cập nhật các bệnh có nguy cơ cao. Theo một báo cáo gần đây, thị trường thiết bị y tế đeo được dự kiến sẽ đạt hơn 27 triệu USD sau năm 2023.
Bên cạnh việc dự đoán và theo dõi, các thiết bị này cũng đem tới nhiều lợi ích cho các công ty dịch vụ chăm sóc sức khoẻ như:
- Cá nhân hóa trải nghiệm chăm sóc sức khỏe
- Nhắm mục tiêu định giá bảo hiểm
- Cung cấp các ưu đãi bảo hiểm
- Xây dựng lợi thế cạnh tranh cho các công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Chăm sóc sức khỏe dựa trên những phân tích dự đoán
Big data là một nguồn tài nguyên vô cùng lớn trong việc phân tích các dữ liệu dự đoán. Các công ty chăm sóc sức khoẻ có thể tận dụng điều này để sắp xếp công việc và dự đoán chữa bệnh cho bệnh nhân.
Thông tin được tổng hợp từ Big Data và các nguồn có thể giúp các công ty chăm sóc sức khoẻ phát triển những khuyến nghị để khách hàng xây dựng lối sống lành mạnh, an toàn hơn. Các nhà phân tích dữ liệu có thể phân tích các từ khóa trên các kênh truyền thông xã hội hoặc các công cụ tìm kiếm để xác định các tìm kiếm phổ biến về sức khỏe, tình trạng y tế,…Sau đó, các nhà phân tích có thể phát triển mô hình dự đoán về những xu hướng chăm sóc sức khoẻ của một đối tượng cụ thể.
Trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là một xu hướng chuyển đổi trong ngành chăm sóc sức khỏe, nó phổ biến trong mọi ngành. Thị trường đầu tư vào AI trong lĩnh vực healthcare được dự đoán sẽ đạt hơn 34 tỷ USD vào năm 2025.
AI không chỉ dừng lại ở những người máy thông minh hỗ trợ các nhân viên y tế trong các công việc hàng ngày. Nó có thể xuất hiện tại chatbot hay trợ lý sức khoẻ ảo. Chatbot thông minh có thể cải thiện dịch vụ khách hàng, trở thành công cụ chẩn đoán và thậm chí là nhà trị liệu. Hơn thế nữa, các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học có thể sử dụng thuật toán học máy để rút ngắn thời gian phát triển thuốc.
Hồ sơ sức khỏe điện tử
Hồ sơ sức khỏe điện tử được hiểu đơn giản là phiên bản kỹ thuật số của biểu đồ y tế và bao gồm mọi thứ từ tiền sử bệnh, lịch khám, kế hoạch điều trị,…của 1 bệnh nhân. Nó là giải pháp cho vấn đề hồ sơ y tế bị phân mảnh từ trước tới nay. Khi có được hồ sơ y tế điện tử, việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ trở nên đơn giản hơn, giảm thiểu được thời gian chờ đợi hoặc thời gian hỏi thông tin về tình hình chữa trị hay dùng thuốc của những người đến khám. Bên cạnh đó, hồ sơ còn là nơi theo dõi tình hình chăm sóc sức khoẻ và chữa trị của từng bệnh nhân, nâng cao năng lực chữa trị của các đơn vị y tế.
Kết luận
Có thể thấy, chuyển đổi số ngành chăm sóc sức khỏe là xu thế tất yếu của thời đại, dịch vụ y tế đang dần bước sang một kỷ nguyên mới. Không còn những tập hồ sơ bệnh nhân chồng chéo, lẫn lộn thông tin.